Giáo viên viết và dạy minh họa: Cô Đỗ Thị Thanh Huyền
Chủ đề 5: Vật liệu hữu ích
Bài dạy: Tiết 29: Sản phẩm từ vật liệu đã qua sử dụng
Lớp dạy: Lớp 6A5.
1. Lý do chọn đề tài:
Xuất phát từ mục tiêu chung “Nâng cao tính chủ động, phát huy tính tích cực, tư duy của học sinh”, môn Mĩ thuật ở trường THCS góp phần thực hiện mục tiêu giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và kỹ năng cơ bản để hình thành nhân cách con người, hiểu được cuộc sống và luôn biết vươn lên cái hoàn thiện: Chân - thiện - mỹ.
Ngày nay, công nghệ thông tin đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, là một phần không thể thiếu trong một xã hội ngày càng hiện đại hoá.
Muốn cho học sinh tiếp thu bài tốt, nắm vững được kiến thức bài học người giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tin học hoá các khâu trong quy trình nghiệp vụ từ bài soạn, bài giảng, bài kiểm tra, cách sử dụng đồ dùng dạy học…
Giáo viên nên soạn giáo án bằng máy vi tính, lưu trữ để bổ sung chỉnh sửa; tiến tới sử dụng giáo án tin học, điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phần mềm vào dạy học. Công nghệ thông tin hiện nay rất phát triển, nếu chúng ta biết khai thác mạng Internet để làm đồ dùng trực quan trong giảng dạy sẽ tạo hứng thú cho học sinh ham học tập, nắm chắc kiến thức hơn ở các môn học nói chung và môn Mĩ thuật nói riêng.
Việc vận dụng những tranh ảnh của hoạ sĩ và các công trình kiến trúc, điêu khắc trên mạng để làm phương tiện dạy học Mĩ thuật là điều cần thiết phù hợp với thực tế trong việc dạy học theo chương trình thay sách hiện nay.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, tôi đã chọn đề tài “Một số biện pháp nhằm khai thác tốt hình ảnh trực quan môn Mĩ thuật lớp 6 trường THCS Tây Sơn”
2. Thực trạng:
2.1 Đối với học sinh
+ Chưa hứng thú khi giáo viên giảng bài, thường nói chuyện riêng, luôn có tư tưởng “Vẽ đẹp là sẽ được điểm cao” nên không quan tâm gì đến lý thuyết.
+ Khi có tiết dạy bằng giáo án điện tử, học sinh chủ yếu quan tâm đến các hình ảnh minh họa hay các hiệu ứng trên máy mà rất ít chú ý đến những lời phân tích của giáo viên.
+ Một số học sinh ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, các em không có cơ hội để tìm hiểu, nghiên cứu tư liệu, tài liệu, tranh ảnh hoặc các bài viết liên quan tới bài học nên chưa đáp ứng yêu cầu của giáo viên về việc sưu tầm hình ảnh, tài liệu.
+ Môn Mĩ Thuật là môn năng khiếu, vì thế sẽ không ít hoc sinh coi nhẹ môn này. Khi các em đã không có hứng thú học tập thì các em sẽ suy nghĩ đây chỉ là môn học phụ, học để biết và mang tính chất bắt buộc.
+ Một số học sinh chưa có ý thức trong học tập, vẫn còn một số học sinh cá biệt thuờng gây mất trật tự trong giờ học, không mang dụng cụ học tập đầy đủ.
+ Do học trên lớp chỉ có 45 phút, thời gian quá ngắn nên học sinh làm bài thực hành không kịp.
2.2 Đối với giáo viên
+ Giáo viên lên lớp chưa khai thác triệt để các loại đồ dùng dạy học đối với từng bài. Nên dù là tranh, ảnh có nhiều nhưng hiệu quả giảng dạy chưa cao.
+ Tranh ảnh mà giáo viên cho học sinh quan sát chủ yếu là những hình ảnh minh họa phóng to từ sách giáo khoa nên chưa phong phú sinh động.
+ Đối với bài giảng điện tử, giáo viên còn đôi khi lại quá chú trọng đến các hiệu ứng View show, hình ảnh, màu sắc lòe loẹt nên các yếu tố đó lại gây sự chú ý của học sinh hơn là lời giảng.
+ Chưa nắm vững đối tượng học sinh, giáo viên giảng bài chung cho cả lớp nên có những học sinh yếu – kém chưa nắm được bài.
2.3 Đối với nhà trường
+ Chưa có phòng học chức năng riêng cho môn Mĩ thuật nên tiết học cũng chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục hiện nay.
+ Đồ dùng được cung cấp thì quá nhỏ, học sinh không nhìn rõ được.
3. Giải pháp
3.1. Các bước sử dụng trực quan
a. Sử dụng trực quan đầu giờ để gây hứng thú học tập.
+ Trực quan gây hứng thú cho học tập được sử dụng ngay sau khi bắt đầu vào giờ học. Có thể cho học sinh xem một tranh đẹp và sản phẩm ứng dụng của bài hôm đó, hoặc những tranh có liên quan đến mở rộng bài học.
+ Đầu giờ, thường dùng tranh ảnh có tính chất mở rộng, liên hệ và phải đẹp. Kết hợp chặt chẽ với thuyết trình, phân tích làm sáng tỏ ý tưởng dẫn dắt để đạt được mục tiêu gây hứng thú cho học sinh.
+ Trực quan hứng thú học tập có tính chất mở rộng nhưng cần phải sát với bài học và mang tính cụ thể để dẫn dắt vào bài.
b. Sử dụng trực quan để tìm hiểu khái niệm:
+ Những khái niệm của môn trang trí thường là từ chuyên môn như: khái niệm chung, khái niệm về mảng, nét, hình ảnh, gam màu… Nếu dùng từ ngữ thì rất khó hiểu và nếu không có trực quan thì các em sẽ vướng mắc trong việc chủ động tìm hiểu khái niệm. Trong vấn đề này khi nói đến những khái niệm trên, chúng ta cần chỉ ngay đến hình ảnh trực quan và kết hợp với phân tích.
+ Ưu điểm của trực quan là cụ thể, học sinh khi xem trực quan kết hợp mở của giáo viên sẽ dễ dàng trong việc hình thành khái niệm.
+ Trực quan của phần này thường là kết quả của câu hỏi đặt ra, bởi vậy phương pháp sử dụng thường đi kèm với hệ thống trực quan với câu hỏi gợi mở, trực quan phần này thường mang tính cụ thể và được khẳng định.
c. Sử dụng trực quan để gợi mở định hướng.
Mỗi bài tập có những hướng giải quyết cụ thể nhưng để phát huy tính sáng tạo thì phải để học sinh tự nghiên cứu tìm tòi và phát hiện. Để không gặp khó khăn cho các em học sinh thì giáo viên phải sử dụng một hệ thống trực quan giúp các em căn cứ vào đó để tìm hiểu và phát hiện:
- Đối với phần lý thuyết, giáo viên nên dùng các câu hỏi kết hợp với việc chỉ ra trên thực tế đối tượng (tranh, ảnh, hình minh họa,…) để học sinh quan sát, suy nghĩ và tự tìm cách lí giải hay nhận xét hoặc kết luận của mình. Chẳng hạn: Hai bài này giống nhau và khác nhau ở chổ nào? (Bố cục, màu sắc,…). Em thích bài vẽ nào? Vì sao?
- Đối với phần thực hành, giáo viên quan sát học sinh làm bài, dựa vào thực tế từng bài vẽ cụ thể, đặt các câu hỏi gợi ý, mở ra cách giải quyết sao cho phù hợp với thực lực của mỗi học sinh.
+ Các câu hỏi phải mang tính khích lệ, động viên, sao cho mỗi học sinh cảm thấy mình cần phải suy nghĩ, tìm kiếm thêm để bài vẽ đẹp hơn, mong muốn có bài vẽ đẹp như ý muốn.
+ Lời nhận xét, gợi mở tuyệt nhiên không mang tính phủ định, như: “Thế này không đẹp”, hay “không làm thế này”, “phải làm lại như thế này mới đúng…”
+ Lời nhận xét, câu hỏi phải “mềm”, và luôn ở dạng nghi vấn. Ví dụ như: “Vẽ thế này cũng được nhưng chưa đẹp cho lắm”, “Em còn có thể vẽ khác được không?”
+ Lời nhận xét, câu hỏi gợi mở cần phù hợp với từng đối tượng học sinh, như: Đối với các em học sinh yếu, kém thì gợi mở cần cụ thể và rõ ràng hơn để học sinh có thể nhận ra chỗ sai ngay. Đối với học sinh trung bình thì gợi mở cụ thể ở những chỗ chưa hợp lí và yêu cầu học sinh quan sát, suy nghĩ và tự điều chỉnh, sửa lại. Đối với học sinh khá thì câu gợi ý nhằm vào những chỗ có vấn đề hay chưa hợp lí về bố cục, hình ảnh, màu sắc,…và sau đó để học sinh tự điều chỉnh. Đối với học sinh giỏi thì yêu cầu cao hơn, gợi ý để học sinh tự tìm ra những chỗ chưa hợp lí về bố cục, chưa đẹp về màu,…ở bài vẽ của mình.
d. Sử dụng trực quan theo tiến trình các bước làm bài:
+ Bài tập trang trí thường được giải quyết theo thứ tự của các bước làm bài cụ thể, có nghĩa là cách làm một bài vẽ trang trí thường tuân theo một thứ tự cụ thể, có hệ thống và lôgíc. Vì lẽ đó mà trực quan hơn bao giờ hết sẽ phát huy tác dụng rất tốt, học sinh nhìn vào sẽ dễ hiểu, dễ nhớ và nắm được bài rất nhanh và hiệu quả.
+ Trực quan theo các bước làm bài mang tính chất giáo khoa cụ thể, rõ ràng, mở ra những cách đi từ bắt đầu đến kết thúc, học sinh dễ dàng tiếp thu bài, từ đó sẽ thuận lợi cho nghiên cứu và thực hành.
e. Sử dụng trực quan để nhận xét, đánh giá
+ Giáo viên chọn bài học sinh: chọn bài vẽ đẹp và bài vẽ chưa đẹp.
- Đánh giá kết quả học Mỹ Thuật cho học sinh cần dựa vào mục tiêu chương trình (Giáo dục thị yếu thẩm mĩ), dựa vào mục tiêu của từng bài, từng giai đoạn, trên cơ sở tiêu chí mà giáo viên đưa ra nhằm rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
- Đánh giá kết quả học mĩ thuật của học sinh còn dựa vào khả năng, nỗ lực, sự tiến bộ của từng lớp, từng cá nhân học sinh.
- Cần biết kết quả học Mỹ Thuật của mỗi tiết dạy được thể hiện cụ thể ở ngay trên từng sản phẩm (bài tập) của học sinh nhưng cái "Đằng sau" nó là sự vận dụng về thái độ và hành vi còn quan trọng hơn nhiều. Macxigoocki nói: "Tất cả những cái gì do con người tạo nên đều chứa đựng tâm hồn của nó". Vì vậy, khi giáo viên gặp những bài vẽ hoàn thành chưa tốt không nên đánh giá nặng nề quá mà hãy động viên và cho phép học sinh về nhà làm lại bài. (vì một số học sinh hiểu được, cảm thụ được nhưng rất khó thể hiện).
- Khi đánh giá kết quả học mĩ thuật ở cuối giờ, giáo viên chỉ nên gợi ý cho học sinh tự đánh giá lẫn nhau. Qua hệ thống câu hỏi gợi ý của giáo viên, học sinh nói lên nhận xét, suy nghĩ, cảm nhận của chính mình cho cả lớp cùng nghe, rồi tự đánh giá mức độ hoàn thành bài của mình để rồi tiếp tục hoàn thiện bài tốt hơn.
Thí dụ về một số câu hỏi gợi ý đánh giá:
- Những bài vẽ trên đây, bài nào vẽ đẹp nhất? Vì sao bài đẹp? Đẹp ở chỗ nào?
- Bài nào chưa đẹp? Vì sao? Làm thế nào cho bài đẹp hơn?
- Cuối cùng đánh giá chung cho tất cả các bài, chú ý nâng đỡ học sinh kém, động viên, khuyến khích học sinh khá giỏi.
3.2. Một số yêu cầu
a. Đối với học sinh
+ Cần chú ý nghe giáo viên giảng bài, không làm việc riêng trong giờ học. Xem môn Mĩ thuật quan trọng như tất cả các môn học khác.
+ Có ý thức sưu tầm những tư liệu, hình ảnh theo yêu cầu giáo viên, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ của tiết học.
+ Nên quan tâm đến kết quả sản phẩm của mình không nên quá quan tâm đến điểm số, vì như thế sẽ làm giảm hiệu quả chất lượng bài vẽ.
+ Cần khai thác triệt để các loại đồ dùng dạy học, thay đổi phương pháp trình bày, phân tích hình ảnh để học sinh dễ hiểu hơn, có hứng thú hơn.
+ Có sự sáng tạo trong thiết kế đồ dùng trực quan, không nên quá máy móc, sử dụng những hình ảnh sẳn có trong sách giáo khoa, nên sưu tầm những tư liệu, hình ảnh cho bài dạy phong phú, sinh động hơn.
+ Đối với tiết dạy giáo án điện tử giáo viên không nên quá cầu kì về mặt hình thức, hay sử dụng những hiệu ứng View show quá nổi bật.
b. Đối với giáo viên
+ Cần phải biết đâu là trọng tâm, tâm điểm của bài học, không nên diễn giải lang man. Chú ý đâu hình ảnh chính, đâu là hình ảnh tham khảo từ đó cần tập trung phân tích kỹ.
+ Cần nắm rõ đối tượng học sinh yếu-khá-giỏi từ đó có cách trình bày cho phù hợp, cần hướng dẫn tập trung kỹ hơn đối tượng Tb-yếu.
c. Đối với nhà trường
+ Đề nghị với phòng GD&ĐT cung cấp bộ đồ dùng dạy học bô môn Mĩ thuật cũng như các môn học khác.
+ Cần sắp xếp lại phòng dạy giáo án điện tử cho ổn định để giáo viên giảng dạy tiện lợi hơn.
+ Nên kết nối Internet trên phòng tin học để học sinh dễ dàng tìm kiếm thông tin, tư liệu, hình ảnh.
5. Kết luận – Kiến nghị
5.1 Kết luận:
Thông qua việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học trên tiết học, giáo dục học sinh tính thẩm mỹ và khơi dậy sự tìm tòi ham hiểu biết.
Qua thực tế giảng dạy bản thân nhận thấy việc thực hiện một tiết dạy có sử dụng đồ dùng dạy học trực quan mang lại những kết quả như sau:
- Nâng cao hiểu biết làm và sử dụng đồ dùng dạy học.
- Tạo cho học sinh hứng thú hơn trong học tập, tiếp thu kiến thức nhanh hơn và đồng thời tạo không khí lớp học sôi nổi hơn.
- Giảm bớt được nội dung ghi bảng. Từ đó GV có nhiều thời gian tổ chức theo dõi các hoạt động của học sinh.
- Thông qua việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học trên tiết học, giáo dục học sinh tính thẩm mỹ và khơi dậy sự tìm tòi ham hiểu biết của học sinh.
Trên đây là những nội dung tạo hứng thú cho học sinh học tập bằng việc sử dụng đồ dùng dạy học môn Mỹ thuật; Qua việc vận dụng của bản thân, tôi thấy giờ dạy đạt hiệu quả cao hơn. Học sinh rất thích học những tiết học có sử dụng đồ dùng dạy học. Học sinh nắm vững kiến thức, và vẽ đẹp hơn.
5.2 Kiến nghị:
- Đề nghị đối với Sở GDĐT cung cấp các thiết bị bộ đồ dùng trực quan cho môn Mĩ thuật phù hợp để có hiệu quả trong việc giảng dạy hơn.
Tổ Năng khiếu
MỘT SỐ HÌNH ANH VỀ CHUYÊN ĐỀ NGHIÊN CỨU BÀI HỌC MÔN MĨ THUẬT
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn