NHÀ TÂY SƠN, ĐẤT TÂY SƠN - BẢN TRƯỜNG CA BẤT DIỆT
Khởi nghĩa Tây Sơn là cuộc chiến tranh nông dân chống chế độ thống trị hà khắc của phong kiến Trịnh – Nguyễn. Đồng thời, là một cuộc chiến tranh giải phóng để bảo vệ nền độc lập dân tộc và bảo vệ sự thống nhất của đất nước ta. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã góp một phần lớn lao vào lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, và đã đóng góp nhiều kinh nghiệm phong phú vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, làm giàu thêm cho kho tàng lý luận đấu tranh vũ trang của nhân dân ta. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn mà linh hồn là vị anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ là biểu hiện cụ thể của tinh thần anh hùng quật cường, bất khuất, tài thao lược, trí dũng của dân tộc ta.
Trong lịch sử các nước trên thế giới, có lẽ Việt Nam là một nước “ đất không rộng, người không đông” nhưng trong thời kỳ phong kiến lại có nhiều phong trào khởi nghĩa nông dân nhất. Đặc biệt là trong thế kỷ XVIII, phong trào khởi nghĩa nông dân lại càng sôi nổi, rầm rộ, lớn mạnh hơn bao giờ hết. Chính trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện phong trào nông dân Tây Sơn, nhanh chóng đánh đổ tập đoàn phong kiến Nguyễn, Lê – Trịnh, bước đầu hoàn thành sứ mệnh thống nhất đất nước.
Vào giữa thế kỉ XVIII, chế độ phong kiến Đàng Ngoài khủng hoảng sâu sắc, ở Đàng Trong chúa Nguyễn xưng vương thành lập triều đình riêng. Đất nước bị chia cắt thành hai miền. Nhưng rồi chính quyền mới lại suy thoái. Không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột và hoành hành của bọn quan lại chúa Nguyễn, cũng như không yên lòng trước cảnh sống khổ cực của những người nông dân cùng ấp, ngay từ sớm ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đã liên kết với các bạn cùng chí hướng cũng như các tù trưởng dân tộc ít người, luyện võ, hội bàn chuẩn bị khởi nghĩa. Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa nông dân bùng lên ở ấp Tây Sơn ( Bình Định ) do ba anh em lãnh đạo với khẩu hiệu “ Đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan” và “ Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, nghĩa quân đã thu hút được sự ủng hộ và hưởng ứng của nhiều tầng lớp nhân dân. Mùa thu năm 1773, nghĩa quân đã chiếm được phần lớn phủ Quy Nhơn, thanh thế nghĩa quân lên cao. Trong các năm 1782 và 1783 quân Tây Sơn hai lần đánh vào Gia Định, chính quyền chúa Nguyễn bị đánh đổ. Năm 1784, trước thái độ kiêu căng và tàn bạo của quân Xiêm, Nguyễn Huệ được lệnh cầm quân tiến vào giành lại đất Gia Định, trận quyết chiến diễn ra trên khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút vào sáng ngày 19 tháng 1 năm 1785 đã đánh tan tành quân xâm lược Xiêm. Chính sử nhà Nguyễn sau nảy cũng phải thừa nhận rằng: “ Người Xiêm sau trận thua năm Giáp Thìn năm 1785 ngoài miệng tuy nói khoác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”. Sau khi đánh tan 5 vạn quân xiêm và bè lũ Nguyễn Ánh, vị danh tướng Nguyễn Huệ củng cố lại chính quyền Tây Sơn ở Gia Định, nhanh chóng hạ thành Phú Xuân rồi nhân đà thắng lợi, tiến ra chiếm nốt các Dinh còn lại ở Nam sông Gianh. Đất Đàng Trong hoàn toàn thuộc về quân Tây Sơn. Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo đại quân vào Thăng Long, chính quyền của họ Trịnh bị lật đổ. Năm 1788 Nguyễn Huệ quyết định làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung chỉ huy quân tiến ra Bắc. Đúng vào đêm 30 tết ( 25 tháng 1 năm 1789) quân ta được lệnh tiến công, và chỉ sau 5 ngày tiến quân “ thần tốc” với chiến thắng vang dội Ngọc Hồi – Đống Đa, quân ta đã đánh bại hoàn toàn 29 vạn quân Thanh xâm lược, tiến vào Thăng Long.
Những chiến công hiển hách của sự nghiệp thống nhất lại đất nước và bảo vệ nền độc lập dân tộc trong hoàn cảnh đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng đã nói lên công lao to lớn của phong trào Tây Sơn và người “ anh hùng áo vải” Nguyễn Huệ. Từ năm 1785 đến đầu năm 1789 là giai đoạn ngắn nhất nhưng lại chính là giai đoạn rực rỡ nhất của phong trào Tây Sơn. Xét về quy mô đây là giai đoạn Tây Sơn hoạt động trên phạm vi cả nước. Xét về tính chất nghĩa quân Tây Sơn đã thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ trọng đại : Môt là đẩy mạnh và mở rộng cuộc tấn công vào cơ đồ của giai cấp phong kiến thống trị; Hai là dũng cảm đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, lập nên chiến công chống xâm lăng vô cùng hiển hách, góp phần làm rạng rỡ thêm truyền thống ngoan cường bất khuất của cả dân tộc ta. Nhìn chung hơn hai mươi năm tung hoành ngang dọc khắp đất nước, phong trào Tây Sơn đã lập nên sự nghiệp vẻ vang. Nguyễn Huệ và phong trào Tây Sơn đã từng oanh liệt chiến thắng các tập đoàn phản động trong nước và các đội quân xâm lược nước ngoài. Đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc không có gì quan trọng bằng sự nghiệp đấu tranh bảo vệ thống nhất đất nước.Vì vậy càng nghiên cứu về phong trào Tây Sơn, chúng ta càng thấy hiện ra trước mắt là sự vĩ đại của con người Nguyễn Huệ và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Đủ để ta khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng. Điều đó đã được lịch sử chứng minh rõ rệt. Lịch sử Việt Nam ngay từ khi dựng nước, dân tộc Việt Nam đã biết đoàn kết để chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước. Trong tất cả những cuộc chiến đấu ấy dân tộc chúng ta đã đều chiến thắng.
Nếu nói rằng truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam là một bản trường ca bất diệt thì thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm mà đặc biệt là cuộc kháng chiến chống quân Thanh xâm lược của nghĩa quân Tây Sơn đã nói lên sức sống phi thường của dân tộc Việt Nam ta.
Hôm nay đây, được sống và học tập dưới mái trường mang tên “Tây Sơn”, đội quân hào hùng đầy nhiệt huyết của vị “ anh hùng áo vải” Quang Trung – Nguyễn Huệ, một anh hùng cứu nước vĩ đại của dân tộc. Và thật tự hào khi thầy trò chúng ta ngày nay được kế thừa sự nghiệp của Nguyễn Huệ dưới sự chỉ đạo của đường lối chính trị vô cùng tài giỏi đúng đắn của Đảng, thầy trò chúng ta nhất định sẽ gặt hái nhiều thắng lợi trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, quyết tâm xây dựng “ trường học thân thiện, học sinh tích cực”, đạt những thành tích học tập xứng đáng với tên trường, hào hùng như những đoàn quân Tây Sơn xung trận.
***************************************
Ý kiến bạn đọc